Thứ ba, 12/11/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 12/02/2008
Cảm xúc giao thừa trên nhật ký mạng

Khác với thời khắc đón ngày đầu tiên của năm mới tính theo Dương lịch, giao thừa Mậu Tý là thời điểm những cảm xúc hoài niệm, yêu thương, hy vọng, hân hoan chợt tuôn ra từ trong mỗi blogger mang dòng máu Việt. > Những lời chia tay năm cũ trên status và blog / Không khí Tết tràn ngập trên các blog.

 

"Mỗi xuân đến hoa lại về Hàng Lược
Tôi lại như đứa trẻ lên mười
Lòng thư thái giữa ồn ào náo nức
Biển hương màu choáng ngợp cả hồn tôi"

"Tết đến rồi, mình nhớ nhà quá", Lyly, một bạn gái Hà Nội đang học tại California (Mỹ) thổn thức đón khoảnh khắc giao thời nơi xứ lạ. "Tết là khi cả gia đình xích gần lại sau cả một năm bận rộn không có thời gian quan tâm đến nhau. Tết là nụ cười của đám trẻ nhà mình khi xúng xính trong bộ đồ mới và rạng rỡ đếm tiền mừng tuổi. Tết là những miếng bánh chưng xanh thật đẹp, miếng giò bố gói thật ngon kèm thêm vị cay cay của hạt tiêu. Tết là... Còn biết bao ký ức đẹp đẽ nữa mà nếu viết tiếp chắc mình khóc mất. Nhớ nhà quá. Bố mẹ ơi! Tết ơi!". 

Ảnh chụp từ blog của Lyly.
Ảnh chụp từ blog của Lyly.

Không sống xa nhà, nhưng sau một năm bận rộn với công việc PR, ít có thời gian xum vầy với gia đình, cô thanh nữ Lam Kiều chợt thấy lại trước mắt những quang cảnh thân thương của một chiều 30 Tết bình dị: "Mẹ đi chợ về, đem theo rất nhiều hoa quả, bánh trái, những món ăn đặc trưng ngày tết. Và trong số đó, thế nào cũng có vài bó rau mùi. Những bó mùi già, thân khô, có cả hoa cả quả li ti. Mẹ bảo mùi già như thế mới thơm. Rồi mẹ đặt một nồi nước to, bỏ mấy bó mùi vào đun. Khi nước sôi, cả ngôi nhà bỗng tràn ngập trong mùi hương hăng hăng, ấm áp. Mùi hương ấy lan tỏa, quấn quýt, len lỏi, làm sạch thơm không khí. Nước rau mùi còn để cả nhà tắm gội. Để hết chiều 30, cảm giác ấm áp, nhẹ nhõm tràn ngập lòng người. Đó là những ngày 30 của thời thơ ấu, khi cô cả chưa lấy chồng và cô út chưa đi học xa. Bây giờ, đôi lúc cô út vẫn được gội đầu bằng nước nấu cây mùi, nhưng không phải nồi nước do mẹ nấu mà là ở ngoài cửa hàng...".

Người Việt Nam là vậy, dù có đến chân trời nào đi chăng nữa, cứ đến Tết là họ lại hướng về với nơi mình đã sinh ra, nơi mình đã được nuôi nấng. May mắn hơn Lyly, anh Nguyễn Ngọc Thực, một phó giám đốc kinh doanh 29 tuổi, sau những tháng năm lăn lộn chốn đô thành, đã được nếm trải hương vị hạnh phúc của quãng thời gian đón xuân cùng gia đình yêu thương tại một làng quê nhỏ bé: "Về nhà được mấy hôm rồi, nói chung là rất lạnh, lạnh lắm, thở ra khói như hút thuốc, mình không chịu nổi chỉ chui vào mền ngủ và ở nhà xem TV. Khi có bạn bè láng giềng tới chơi thì mình dậy uống trà, ăn kẹo cắn hạt dưa, uống rượu trò chuyện. Chị dẫn đi chợ tết mua rất nhiều đồ. Sáng nay chở mẹ đi chợ mua hoa lay ơn, hoa cúc, hoa hồng, trái cây, đắt hơn Sài Gòn. Vui quá, chợ quê nghèo nhưng rất nhộn nhịp, ai cũng quen, đi đường ai cũng hỏi còn mình thì cứ thế mà gật đầu. Mình trùm mũ len kín mít thế mà bạn bè nhận vẫn ra. 'Quê hương là chùm khế ngọt' là thế, nghèo nhưng đầy ắp tình cảm. Đứng chờ mẹ trên con đường ngày trước vẫn hay đạp xe hằng ngày đi học, gặp mấy người bạn học chung cấp 3 cũng về quê ăn tết. Vui quá chừng".

Không hoài niệm về những ngày xưa cũ như các anh, các chị lớn tuổi, ký ức của cô sinh viên năm thứ nhất tại trường Đại học ngoại thương Hà Nội Lê Mai Trang lại dạt dào những suy nghĩ về tuổi học trò mà cô vừa nói lời tạm biệt: "Tết năm nay là Tết đầu tiên đời sinh viên, thấy nhớ 12D4 vô cùng. Ra Tết sẽ chẳng còn đứa nào chìa cả một đống lì xì ra trước mặt cho mình bốc nữa,chẳng còn cái cảnh 'Ai xung phong lên bảng đầu năm cô cho điểm cao' nữa, cũng chẳng còn được nghe tiếng còi của thầy Mão...chẳng còn được nghe những lời trách cứ nhẹ nhàng 'ra Tết ăn nhiều bánh chưng quá hay sao mà lú hết thế các em'".

Ảnh chụp từ blog của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
Ảnh chụp từ blog của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Là người lớn, mang trong mình nhiều điều suy tư hơn, đạo diễn phim truyền hình nổi tiếng Bùi Thạc Chuyên mượn tạm những lời thơ của Trần Dần để nói lên tâm sự của mình:

"Tết
Ơ thế thôi
một Tết
Tôi quẳng nó
Vu vơ
Vào một xó lòng
Ở nơi đó là kho đồng nát.
Một đống Tết xa nhà đã rỉ hoen lên".

"Tết, các hàng phở nghỉ rất lâu mới mở cửa trở lại. Mà giá cả tăng luôn tăng và không có ý định quay trở lại khi tết qua đi. Tớ nhớ là mỗi kỳ Tết đến phở lại tăng giá. Năm nay chắc tăng kinh khủng", vị đạo diễn 40 tuổi viết. "Tết, tớ rất bực vì phải tạm gác thói quen đọc báo hàng ngày, dù cho cả chồng báo ngày thường cũng chỉ đọc trong 15 phút là hết. Năm nay may mà có internet và bờ nốc (blog), cũng đỡ chán. Tết càng trở nên khó ưa với tớ vì không còn tiếng pháo. Năm mới tiếng pháo để xua đuổi tà ma. Chỉ có trẻ con là khoái Tết vì chúng có tiền mừng tuổi".

Đằng sau tất cả những cảm xúc lẫn lộn trên, chủ nhân của mỗi trang "nhật ký mạng" cũng không quên để lại những lời chúc một năm mới đến với tất cả người thân bạn bè của mình. Blogger 25 tuổi Trần Xuân Dũng đăng nguyên một bài thơ chúc Tết thay cho những suy nghĩ của mình:

"Mùa xuân xin chúc
Khúc ca an bình
Năm mới phát tài
Vạn sự như ý

Già trẻ lớn bé
Đầy ắp tiếng cười
Trên mặt ngời ngời
Tràn đầy hạnh phúc

Xuân đến hy vọng
Ấm no mọi nhà
Kính chúc ông bà
Sống lâu trăm tuổi

Kính chúc ba mẹ
Sức khoẻ dồi dào
Đôi lứa yêu nhau
Càng thêm nồng ấm

Các em bé nhỏ
Học giỏi chăm ngoan
Chúc Tết mọi người
Năm mới hoan hỉ
Gặp nhau niềm vui... "

Theo Vnexpress

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0